Thiền là gì ?

In bài này

Thiền là gì? 
Theo thuật ngữ Yoga, Thiền được gọi là “Dhyana” nghĩa là “dòng chảy của tâm trí”.  Từ xưa đến nay, thiền và y học vẫn là hai cực của một khoa học, khoa học toàn vẹn về sự sống của con người.  Y học luôn cố gắng giải phóng bệnh tật, nghiên cứu con người ở phần thể xác.  Còn thiền luôn nghiên cứu con người ở mặt tâm linh.  Thực hành thiền mang lại nhiều lợi ích:

 Lợi ích về thể chất

 Lợi ích về tinh thần

 

Các bước thiền cơ bản
Ban đầu, mục tiêu của những người ngồi thiền là giảm stress và những áp lực hàng ngày.  Chỉ cần vài phút tĩnh tâm, bỏ quên thực tại, hướng tâm điểm vào tâm hồn bên trong, mọi căng thẳng sẽ nhanh chóng biến mất, giúp bạn nhận diên vấn đề một cách sáng suốt hơn.  Quy tắc quan trọng để thiền có hiệu quả là không bị phân tâm.  Đối với người mới thực hành, bạn có thể thực hiện theo các bước thiền căn bản sau đây:

 

**Chuẩn bị:

Trước khi thiền, bạn nên hoàn thành tất cả những công việc thường nhật trong ngày để tư tưởng không bị vướng bận.  Tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo rộng, chọn một nơi yên tĩnh, thoáng mát.

 

**Ngồi thiền:

Bạn có thể ngồi theo tư thế bán già hoặc kiết già.  Giống như một thiền sư, bạn ngồi thẳng trên ghế một miếng đệm êm, lưng thẳng, mặt hướng về phía trước, cằm hơi đưa vào để xương sống được thẳng, lưỡi chạm nhẹ lên nướu răng trên.  Tay buông lỏng đặt trên đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng (miễn sao cảm thấy thoải mái), cơ bắp thư giãn.  Để có được tư thế này, ban đầu bạn có thể ngồi dựa lưng vào tường hoặc thành ghế nhưng tránh tình trạng quá thả lỏng.  Thời gian đầu mới tập, hãy dùng thêm một vài chiếc gối kê dưới gối hoặc bất kỳ chỗ nào khiến bạn bị mỏi.  Sau một thời gian đã quen, bạn nên ngồi giữa nhà.

 

**Tư thế kiết già (thế hoa sen):

Tư thế này đặc biệt thích hợp cho ngồi thiền.  Xếp bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải, từ từ gấp chân lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời.  Kế tiếp, dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời. 

 

**Nằm thiền:

Nếu không thích ngồi thẳng, bạn có thể nằm dài xuống sàn nhà, kê chân lên một chiếc ghế (bắt đầu từ phần bắp chân).  Đối với người mới thực hành, trước khi thiền bạn có thể bật một bản nhạc nhẹ để giúp bạn tĩnh tâm và tắt ngay khi bắt đầu thiền.

 

**Hơi thở và luồng tâm trí:

Khi thiền, nên tập trung đến sự chuyển động của hơi thở, sự chuyển động lên xuống của bụng.  Thở bằng mũi chứ không nên thở bằng miệng.  Đặc biệt, không nên buông trôi trí óc khi bạn đang thiền.  Chặn đứng ý nghĩ của mình không phải mà mục tiêu hay diễn biến của quá trình thiền, đơn giản là dù bạn đang mải mê với cảm giác hoặc ý tưởng gì đó, hãy cố gắng hướng sự tập trung trở lại hơi thở.

 

**Ấn định thời gian thiền:

Thời gian thiền tùy theo mức độ quen thuộc của bạn.  Lúc đầu có thể là 5 phút, sau đó tăng lên 10, 20 phút… Có thể mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng để kéo dài thời gian thiền.  Bạn không nên gò ép mình vào một kế hoạch cụ thể mà nên để tiến trình diễn ra tự nhiên.

 

**Xả thiền:

Sau khi ngồi thiền, bạn nên làm một vài động tác để cơ thể hết tê mỏi, khí huyết lưu thông trước khi đứng dậy.  Từ từ buông lỏng hai chân, xoay người qua lại, xoay ở vùng hông và cổ.  Từ từ vuốt nhẹ hai bên sống mũi, từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm hai vành tai.  Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt.  Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi xuống bàn chân, xoa ấm hai lòng bàn chân.

 

Những chướng ngại vật cần gạt bỏ

Cũng như bất cứ việc nào khác, khi thiền bạn cũng gặp phải những chướng ngại trong quá trình luyện tập.  Chúng ta phải làm quen và học cách gạt bỏ nó.

 

**Sự lang thang của tâm trí:

 Đây là vấn đề không thể tránh khỏi của tinh thần chúng ta.  Khi gặp trường hợp này, bạn nên tập trung đếm hơi thở hoặc nhắc lặp lại một cụm từ (mantra).  Thiền không chỉ kìm được những ý nghĩ mà còn giúp chúng ta vượt qua nó.  Việc đếm những hơi thở sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu này.  Bạn cũng nên tránh những yếu tố kích thích bên ngoài để dễ nhập định.

 

**Ngủ gật:

Đây là một phản xạ tự nhiên của cơ thể khi thư giãn.  Nếu bạn dễ ngủ gật, hãy chọn cách ngồi thiền, cố gắng thẳng lưng, tập trung vào một điểm nào đó trước mặt cách bạn chừng một mét.

 

**Không ngồi yên:

Mỗi lúc ngồi thiền, bạn có cảm giác bồn chồn, khó chịu, nhất là với những người thường xuyên di chuyển. Biện pháp để khắc phục yếu tố này là thiền đi bộ: bước những bước nhỏ quanh nhà hoặc sân vườn, mỗi bước khớp với một hơi thở, bình thản, nhìn hơi thấp xuống, dồn tập trung vào từng hơi thở và từng bước đi.

 

**Đau lưng, mỏi gối:

Đây là phản xạ tự nhiên khi bạn không quen, dù là nằm hay ngồi.  Cảm giác bồn chồn, không yên cũng làm bạn mệt mỏi.  Khi gặp điều này, bạn nên điều chỉnh lại cơ thể của mình, ta nên chuyển sang một vị trí khác vững chãi hơn hoặc chọn thiền nằm.  Nếu những cơn đau không dứt, hãy chọn thiền đi bộ.

 

**Không thấy hiệu quả:

Sự cảm nhận về thiền phụ thuộc vào từng cá nhân.  Với một số người, đơn giản là họ đã nhận thức được những ý nghĩ mà luôn rượt đuổi trong tinh thần họ bấy lâu.  Có người lại tìm thấy ở thiền một cảm giác tập trung cao độ hoặc chỉ là một hơi thở sâu thư giãn.  Cũng có lúc, những nhận thức trước về thiền lại tiêu khiển ý nghĩ của họ.  Tốt nhất, khi thiền hãy cố gắng tập trung vào hơi thở, tránh những mong đợi không thực tế rằng phải có một điều gì vĩ đại xảy ra.

 

**Không có thời gian:

 

Quá bận bịu với công việc, bạn bị cảm giác này áp đảo.  Hãy bớt chút thời gian của bạn cho thiền.  Dạy sớm hơn khoảng 10 phút hoặc trước giờ đi ngủ mỗi ngày, bạn nên dành 10 phút để thiền thường xuyên.  Tất cả những thứ bạn cần là thời gian và lòng kiên trì.  Thiền sẽ giúp bạn sáng suốt hơn, bình an hơn, khiến cuộc sống của bạn thú vị hơn.