Triết lý Yoga

 Khởi nguồn từ Ấn Độ cách đây 7000 năm, Yoga được coi là một trong những hệ thống triết lý và phát triển và hoàn thiện con người tồn tại lâu đời nhất trên thế giới. Thuật ngữ Yoga xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là sự “hòa nhập” hay sự “thống nhất”.  Yoga được hiểu là phương pháp thực hành để giúp con người hòa nhập Ý thức Cá nhân với Ý thức Vũ trụ, cái hữu hạn với cái vô hạn, hay đạt được sự “giác ngộ”.  Mục tiêu của Yoga là đạt tới hạnh phúc hoàn hảo và phương pháp đạt tới mục tiêu đó nằm ở sự phát triển toàn diện của cơ thể và tâm trí.

 

Nghệ thuật và khoa học Yoga được hệ thống hóa thành tám cấp bậc (ashta) là:

  • Yama: kiềm chế bản thân, loại bỏ dục vọng
  • Niyama: tự rèn luyện bản thân
  • Asana: các tư thế Yoga
  • Pranayama: điều hòa hơi thở và prana (năng lượng sống)
  • Pratyahar: không để ý cảm giác do các giác quan đưa lại
  • Dharana: tập trung tư tưởng
  • Dhyana: thiền định
  • Samadhi: trạng thái nhập định

YAMA và NIYAMA

Hai bước đầu tiên là thực hành Yama và Niyama, hay các nguyên tắc đạo đức hướng dẫn sự phát triển của con người. Sự cần thiết của đạo đức ở đây là ở chỗ nhờ kiểm soát hành vi, chúng ta có thể đạt tới trạng thái sống cao hơn và đạt tới sự hoàn thiện của tâm trí. Yama và Niyamalà nền tảng vững chắc để tiến bộ trong việc luyện tập Yoga, đồng thời tăng sức mạnh bên trong của chúng ta và cho chúng ta một tinh thần thanh tịnh.

 Trong Yama và Niyama chúng ta có những thái độ tích cực đối với xung quanh cũng như với chính mình. Đây là một trong những bí quyết để có được CHÂN HẠNH PHÚC.

 Yama: các nguyên tắc nhằm mục đích giúp con người đạt được ý thức tích cực trong các quan hệ xã hội.

  • Không làm tổn hại (Ahimsa): không làm tổn hại đến người khác bằng tư tưởng, lời nói hay hành động.
  • Chân thật (Satya): hướng các tư tưởng, lời nói, hành động với ý nghĩa có ích lợi.
  • Không trộm cắp (Asteya): Không chiếm hữu về vật chất hay tinh thần những gì thuộc về người khác; không lấy đi những gì thuộc về quyền lợi của họ.
  • Nhìn sự vật một cách toàn diện (Brahmacarya): mở rộng tâm trí để thấy cái lớn lao và sâu thẳm của vạn vật.
  • Cuộc sống không xa hoa (Aparigraha): không chạy theo những thói quen sống xa hoa, lãng phí.

 Niyama: các nguyên tắc nhằm để phát triển cá nhân.

  • Trong sạch (Shaoca): gìn giữ sự trong sạch về thể chất và tinh thần và cả môi trường sống. Một cơ thể và môi trường trong sạch có tác dụng tích cực lên tâm trí. Một cơ thể cường tráng, lành mạnh nhờ vận động các tư thế Asanas và theo một chế độ dinh dưỡng hợp lý; một tư tưởng vị tha, nhân ái là cách để loại bỏ những điều làm hại cho tâm trí.
  • Sự mãn nguyện tinh thần (Santosa): Hãy cố gắng tối đa để tiến bộ trong cuộc sống, nhưng cần giữ trạng thái hài lòng với gì đang có để duy trì được sự cân bằng về tâm trí.
  • Giúp đỡ người khác (Tapah): nếu chỉ nghĩ về mình thì sẽ làm cho tâm mình hẹp hòi, ích kỷ. Giúp đỡ người khác sẽ làm cho tâm mình rộng mở và vị tha và sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tapah còn bao hàm cả về ý thức bảo vệ môi trường.
  • Trau rồi kiến thức (Svadhyaya): việc này sẽ giúp con người nhanh chóng đạt được sự tiến bộ trong cuộc sống.

 Luyện tập đều đặn (Iishvara Pranidhana): luyện tập thường xuyên các bài đã được học, qua đó sẽ giúp con người duy trì và phát triển những khả năng của mình.

PRANAYAMA

Phần thứ tư của Astaunga Yoga là Pranayama hay kiểm soát năng lượng sức sống. Pranayama cũng là phần luyện tập nổi tiếng của yoga nhưng nguyên tắc của cách luyện tập này thường không được giải thích rõ. 

Yoga định nghĩa cuộc sống như trạng thái tồn tại song song của sóng thể chất và tâm trí trong quan hệ với năng lượng sức sống. Các năng lượng sức sống này gọi là các vayu hay “khí”. Có mười loại khí vayu trong cơ thể con người, chúng chịu trách nhiệm về các hoạt động chuyển động bao gồm thở, lưu thông máu, bài tiết, vận động tứ chi v.v... Điểm kiểm soát của tất cả các khí vayu này là một cơ quan gọi là Pranendriya. (Pranendriya, giống như các luân xa, không phải là một cơ quan giải phẫu). Cơ quan Pranendriya này cũng có chức năng nối các giác quan với một điểm trên não. Pranendriya nằm ở giữa ngực và nó đập theo nhịp hô hấp. 
Trong pranayama có một quá trình đặc biệt điều chỉnh hơi thở để nhịp của Pranendriya dừng lại và tâm trí trở nên yên tĩnh. Điều này giúp cho thiền định rất nhiều. Pranayama cũng điều chỉnh lại sự cân bằng của năng lượng sức sống trong cơ thể. Luyện tập Pranayama là một bài tập phức tạp và có thể nguy hiểm nếu không được chỉ dạy và hướng dẫn bởi một người thầy có khả năng. 

PRATYAHARA

Bước thứ năm của Astaunga Yoga là Pratyahara có nghĩa là rút tâm trí khỏi sự gắn bó với các đối tượng bên ngoài. Trong thiền định yoga, đó là quá trình người tập thiền thu rút tâm trí về một điểm trước khi nhắc câu chú mantra.

 

DHARANA
Phần thứ sáu của Astaunga Yoga là Dharana.  Dharana có nghĩa là tập trung tâm trí vào một điểm cụ thể. Trong bài thiền cơ bản, người tập đưa tâm trí tới một luân xa nhất định, đó là hạt nhân tâm trí và tâm linh của người đó. Điểm này (gọi là Ista Cakra) khác nhau ở từng người và do người thầy dạy thiền chỉ dẫn khi khai tâm. Khi tâm trí được tập trung vào điểm đó, quá trình niệm câu chú mantra bắt đầu. Khi mất tập trung, người tập phải lặp lại quá trình đưa tâm trí trở về điểm tập trung đó. Việc luyện tập mang tâm trí đến một điểm tập trung là một dạng của Dharana.


DHYANA

Khi một người thành thạo kỹ năng Dharana, người đó có thể học bước thứ bảy của Astaunga Yoga là Dhyana. Trong quá trình này, trước hết tâm trí được mang đến một luân xa cụ thể, sau đó được hướng theo một luồng chảy liên tục tới Ý thức Tối cao. Luồng chảy này tiếp tục tới khi tâm trí hoàn toàn bị thu hút vào Ý thức Tối cao. Quá trình này phức tạp và chỉ được dạy khi người tập đã luyện tất cả các bước trước đó, đặc biệt là Dharana. Dhyana giúp hoàn thiện lớp tâm trí tinh vi nhất và dẫn người tập tới bước cuối cùng của Astaunga Yoga là samadhi.

 

SAMADHI
Samadhi không giống bảy bước nêu trên bởi nó không phải là một bài tập mà đúng hơn là kết quả của các phần khác của Astaunga Yoga. Đó là thu hút tâm trí vào Ý thức Tối cao. Có hai dạng samadhi, nirvikalpa và savikalpa. Savikalpa là trạng thái nhập định chưa hoàn toàn. Trong savikalpa samadhi người tập cảm thấy “Tôi là Ý Thức Tối cao”, nhưng trong nirvikalpa samadhi không còn cảm giác cái “Tôi” nữa. Ý thức cá nhân hoàn toàn hoà nhập với Ý thức Vũ trụ. 
Những ai kinh nghiệm trạng thái này không thể giải thích hoặc miêu tả được nó bởi vì nó diễn ra khi tâm trí ngưng hoạt động. Cách duy nhất mà họ có thể biết được họ đã kinh nghiệm trạng thái này là sau khi tâm trí thoát khỏi trạng thái nhập định. Khi đó họ kinh nghiệm các sóng của hạnh phúc tột cùng và có thể biết rằng họ đã trải qua trạng thái nirvikalpa samadhi. Việc đạt tới trạng thái samadhi là kết quả của nhiều năm luyện tập trong kiếp này, hoặc kiếp trước hoặc nhờ ân huệ của người Thầy.  Nó là đỉnh cao của hàng triệu năm tiến hoá từ những dạng sống thấp hơn cho tới kiếp người và cuối cùng là hoà nhập với Cội nguồn của tất cả hiện hữu. 

 

Lược dịch từ cuốn The Wisdom of Yoga (P.R. Sarkar, Singapore, 1990).

Facebook Yoga Sức Sống Mới

Facebook chat